Chia sẻ ở góc độ chuyên môn, ông Võ Hồng Thắng cho rằng, trong ngắn hạn, để có thể phát huy triệt để tinh thần của các Luật luật và nhanh chóng áp dụng vào thực tiễn, Chính phủ sẽ cần ban hành thêm những Thông tư, Nghị định hướng dẫn triển khai một cách chi tiết. Cần tránh tình trạng luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư vẫn thường gặp mỗi khi một bộ Luật mới được thông qua.
Theo ông Thắng, không thể phủ nhận những điểm mới của Luật tác động tích cực đến bất động sản, song còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết thông qua công tác soạn thảo cũng như ban hành các văn bản hướng dẫn luật.
Đơn cử như theo quy định tại Luật Đất đai 2024, việc định giá đất phải tuân thủ nguyên tắc giá thị trường. Theo đó khoản tiền sử dụng đất phải nộp của doanh nghiệp có thể sẽ bị đội lên cao. Từ đó, bào mòn hiệu quả dự án, gia tăng rủi ro cho doanh nghiệp cũng như ảnh hưởng tiến độ triển khai dự án. Vì thế, các văn bản hướng dẫn luật cần tìm ra được một tiếng nói chung, một giải pháp trung hòa đảm bảo tính trung thực, khách quan và hòa lợi ích giữa các bên tham gia thị trường.
Cùng với đó, nếu chỉ vin vào Luật mới có hiệu lực để tăng giá bất động sản “vô tội vạ” là điều mà thị trường không mong muốn. Theo ông Thắng, việc tăng giá bất động sản còn phụ thuộc vào nhiều biến số khác của thị trường như tình hình vĩ mô nền kinh tế, lãi suất, tỷ giá,… “Tôi nghĩ, các bộ Luật, chính sách cần có đủ độ ngấm kể từ thời điểm có hiệu lực. Vì vậy, trong ngắn hạn thị trường sẽ chưa có nhiều chuyển biến rõ nét”, ông Thắng nhấn mạnh.
Mới đây, Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ TN&MT) khẳng định, các Nghị định, Thông tư hướng dẫn chi tiết sẽ được ban hành song song với thời điểm Luật đất đai có hiệu lực từ 1/8/2024. Trong khi hai Luật còn lại là Luật kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở vẫn chưa “hẹn” thời gian ban hành hướng dẫn Thông tư, Nghị định. Điều này cho thấy, tính thực thi của các Luật cần chờ thêm thời gian.
Để thấy, sự lo ngại về quá trình thực thi Luật và một số điểm chưa thông suốt là điều mà nhiều người trong cuộc vẫn đặt vấn đề. Đơn cử như vấn đề giao đất, đấu thầu đấu giá, và tính giá đất chưa được khơi thông hoàn toàn. Các dự án vướng mắc về cơ chế cũng đặt ra câu hỏi liệu các quy định mới có giải quyết được các dự án đang tồn tại hay chỉ áp dụng cho các dự án mới.
Doanh nghiệp cũng lo lắng việc phải trả tiền đất hằng năm. Đơn cử như các dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng không tính được chuỗi chu kỳ kinh doanh mà chờ tính hằng năm, điều này gây khó khăn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Hầu hết người trong cuộc đều kì vọng Chính phủ cần đẩy nhanh việc hoàn thành các nghị định trên cơ sở đảm bảo nội dung chất lượng, bám sát thị trường. Các cơ quan soạn thảo Luật cần hoàn thiện pháp lý với quy trình, thủ tục tinh giản, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể hoạt động trên thị trường tiếp cận.
Đồng thời, để thị trường bất động sản thực sự ổn định và phát triển trở lại cần “thông cầu, thông cung”. Đi cùng với đó, các vướng mắc thể chế phải được giải quyết nhanh và dứt điểm. Các giải pháp cần được thực hiện một cách đồng bộ. Nút thắt nào có cơ hội được giải tỏa thì giải tỏa ngay để tránh mất đà phục hồi của thị trường. Ngoài ra, Chính phủ cần có biện pháp thúc đẩy, tạo cơ hội để cả doanh nghiệp lẫn khách hàng/nhà đầu tư có cơ hội tiếp cận nguồn vốn thuận lợi với mức lãi suất thật sự hỗ trợ, tạo động cơ tăng trưởng và phát triển mới.
Như vậy, ở giai đoạn này, cả thị trường địa ốc vẫn chờ những quyết sách, văn bản hướng dẫn Luật đủ sát thực nhằm giải quyết hài hòa cho các chủ thể thị trường. Nếu các Luật mới chưa phải là “chiếc đũa thần” thì ít ra phải là bệ đỡ vững chắc, thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi để các bên tham gia thị trường một cách đồng thuận; hướng đến một môi trường đầu tư kinh doanh bền vững.